Cơ sở pháp lý
Luật đầu tư 2014
Nghị định số 118/2015/NĐ-CP
Luật doanh nghiệp 2014
Nghị định 78/2015/NĐ-CP
Hoạt động dự án đầu tư là gì?
– Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
– Hoạt động dự án đầu tư là việc đưa dự án đầu tư được thực hiện trong thực tế
Các bước cần thực hiện khi chấm dứt hoạt động dự án đầu tư
Bước 1: Chấm dứt hoạt động dự án đầu tư
Bước 2: Giải thể, chốt thuế tại cơ quan thuế
Bước 3: Thông báo giải thể tại Sở kế hoạch và đầu tư
Bước 4: Giải thể xóa tên doanh nghiệp
(Lưu ý: Doanh nghiệp chi thực hiện các bước 2,3,4 khi chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đồng thời chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp)
Bước 1: Chấm dứt hoạt động dự án đầu tư
Các trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư
– Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án;
– Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;
– Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
– Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;
– Nhà đầu tư bị Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư;
– Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
– Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này;
– Theo bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài.
Trình tự thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư
Quy trình thực hiện
– Trường hợp tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư, nhà đầu tư gửi quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định, kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
– Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo các điều kiện quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp hoặc hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư, nhà đầu tư thông báo và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư kèm theo bản sao tài liệu ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
– Trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định tại các Điểm d, đ, e, g và h Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, đồng thời thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chấm dứt hiệu lực kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư có hiệu lực.
Thẩm quyền thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư
Cơ quan đăng ký đầu tư
Thời hạn nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động dự án đầu tư
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư
Phải làm gì sau khi thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư?
Sau khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động, việc thanh lý dự án đầu tư thực hiện như sau:
– Nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản;
– Đối với dự án đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Trong quá trình thanh lý dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư là tổ chức kinh tế bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì việc thanh lý dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản tổ chức kinh tế.
Hệ quả của thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư
– Văn bản quyết định chủ trương đầu tư và văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chấm dứt hiệu lực trong trường hợp dự án đầu tư chấm dứt hoạt động
– Đối với dự án đầu tư hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy phép đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư mà không thu hồi các giấy tờ nếu trên. Trong trường hợp này, nội dung đăng ký kinh doanh tại Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), Giấy phép đầu tư tiếp tục có hiệu lực.
– Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đồng thời chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế thì dự án đầu tư chấm dứt hoạt động theo quy định Luật đầu tư và nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
– Việc quản lý tài sản của dự án đầu tư sau khi Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự về quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú.
Bước 2: Giải thể, chốt thuế tại cơ quan thuế
Thẩm quyền: Chi cục thuế/cục thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp
Thời gian: 10- 15 ngày làm việc
Hồ sơ:
– Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế
– Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục
– Quyết định và biên bản họp về việc giải thể doanh nghiệp
Trình tự thực hiện
– Doanh nghiệp nộp một bộ hồ sơ chốt thuế tại bộ phận một cửa cơ quan thuế
– Doanh nghiệp liên hệ với chuyên viên thuế để bổ sung tờ khai thuế và thuế còn nợ
– Sau khi doanh nghiêp thực hiện xong các nghĩa vụ với cơ quan thuế, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo tiếp tục làm việc với Sở kế hoạch và đầu tư
Bước 3: Thông báo giải thể tại Sở kế hoạch và đầu tư
Thẩm quyền: Phòng đăng ký kinh doanh- Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
Thời gian: 03- 05 ngày làm việc
Hồ sơ:
– Thông báo giải thể theo mẫu
– Quyết định và biên bản họp về việc giải thể doanh nghiệp
– Giấy ủy quyền và chứng minh nhân dân sao y của người nhận ủy quyền
Quy trình thực hiện
– Nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến
– Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật trên hệ thống đăng ký kinh doanh về tình trạng doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục giải thể cho các cá nhân tổ chức liên quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của minh đối với doanh nghiệp giải thể.
Bước 4: Giải thể xóa tên doanh nghiệp
Thẩm quyền: Phòng đăng ký kinh doanh- Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
Thời gian: 07-10 ngày làm việc
Hồ sơ:
– Thông báo giải thể theo mẫu
– Danh sách chủ nợ
– Danh sách người lao động
– Báo cáo thanh lý tài sản
– Giấy ủy quyền và chứng minh nhân dân sao y của người nhận ủy quyền
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bản gốc
Quy trình thực hiện
– Doanh nghiệp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến
– Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo hồ sơ hợp lệ và cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.